LÀNG NÚI VOI – điểm đến tiếp theo – Trung thu 2018 (21-23/9)
Núi Voi – cái tên nghe có vẻ hùng vĩ và trù phú nhỉ? Nếu bạn lên mạng tìm từ khóa Núi Voi – Đà Lạt, thì hẳn bạn sẽ tìm thấy hàng loạt các chỉ dẫn đến những homestay sang trọng, những tour du lịch hấp dẫn, nhưng bạn sẽ không thể nào tìm thấy được chỉ dẫn hay hình ảnh gì về ngôi làng mang tên Núi Voi này. Ngôi làng chừng khoảng 40 hộ, nằm cách đường cao tốc chừng trăm mét, giữa phường 3 Thành phố Đà Lạt đẹp rực rỡ. Vậy mà, có ai ngờ 40 hộ gia đình ấy, hơn 70 em nhỏ ấy sống trong không gian chưa đầy 400 mét vuông, gồm các gian nhà nhỏ chen chúc, và điều đặc biệt là KHÔNG CÓ NHÀ VỆ SINH.
Bốn mươi hộ dân này cũng có rẫy đó, cũng trồng cà phê đó, mà bạn cứ tưởng tượng xem, đến cả cái ăn hằng ngày còn chưa đủ thì tiền đâu mà lo tới phân với thuốc cho cái giống cây vốn dĩ cần chăm sóc rất kỹ ấy. Rẫy của họ nằm ở những ngọn đồi cao cao, trong phạm vi bán kính tầm 3km từ ngôi làng của họ. Hằng năm, cứ tới mùa thu hoạch thì dân làng phải chở cà phê từ rẫy về làng hoặc từ rẫy ra đường lớn để bán. Con đường cũng tầm 3km. Nếu họ không chở cà phê ra ngoài thì giá cà phê bị giảm gấp 3 lần. Mà con đường 3km ấy có đẹp đẽ gì cho cam: đường nhỏ và lầy lội. Theo lời kể của một anh trong làng – giờ đã về ở rễ làng phía trên – mùa cà phê ít cũng là 2,4 người té gãy tay vì chở cà phê đi bán. Trong một lần tới thăm, nghe kể về những khó khăn ấy, một vị linh mục mà tôi quen – cũng là cầu nối dẫn tôi đến làng sau này – Ngài trăn trở và Ngài quyết tâm làm gì đó cho người dân ở đây. Bắt đầu là con đường. Con đường hơn 3km quanh co ôm đồi, ôm suối, Cha thuê xe ủi, vận động bà con mỗi người hy sinh vài gốc cà phê để Cha ủi đường rộng ra một chút. Cha mua hẳn một cái máy trộn bê tông về để làm đường cho bà con. Trong tay Cha lúc ấy có hơn 60 triệu, mà tiền thuê máy ủi và mua máy trộn hết gần 30 triệu. Cha cũng kệ “mình làm cho bà con, rồi người ta thấy sẽ phụ mình”. Nghĩ là làm, Cha huy động các thầy nhà Cha vào làng, bắt tay vào làm. Mấy chục thầy, ngày làm, trưa thì vào “lớp học tình thương” cùa Cô Sương nghỉ. Cha tính được 1 mét đường bằng 250 nghìn, vậy là Cha viết bài xin, đi giảng cũng ngỏ lời hay ai hỏi Cha cũng nói về dự án. Cha không dám xin nhiều, chỉ cần mỗi người cho Cha 1 mét, 2 mét đường là được. Lúc tôi ghé thăm Cha, Cha kể lại với vẻ mặt rất phần khởi vì con đường làm được 2/3 rồi. Ngồi nói chuyện, một thầy đi chợ về, dúi tay cha 1 triệu, thầy nói: cô bán hàng gửi cha 4 mét đường cho làng. Cha lại cười hào sảng “con thấy đó, họ cho Cha, người vài mét, vậy mà Cha làm được hơn 2km rồi, Cha mong sớm hoàn thành để bà con đỡ vất vả”. Và tạ ơn, “con đường tình thương” của Cha đã hoàn thành cách đây một tháng. Giờ đây, người trong làng muốn chở cà phê đi bán đỡ phải lo té gãy tay, gãy chân rồi <3
Nói tiếp đến sinh hoạt, như tôi đề cập ở trên, 40 hộ dân, sinh sống trong diện tích chưa đầy 400 mét vuông, không có nhà vệ sinh. Vị linh mục mà tôi gặp cũng trăn trở về điều đó, Ngài vận động bà con, những cặp vợ chồng mới cưới tách ra, họ không ở chung nữa mà di tản dần ra phía rẫy làm nhà để ở. Có một điều lạ là người làng ở đây đa phần là Tin Lành hoặc không có đạo, vậy mà họ quý mà tin tưởng Cha lắm. Tính đến nay đã có 4 hộ “ra riêng” rồi. Cứ có hộ ra riêng là Cha huy động các thầy vào giúp họ làm nhà, nhà có bếp bên ngoài và nhà vệ sinh. Để làm nhà, mỗi nhà Cha phải xin, phải giúp chừng 40 -45 triệu, rồi của họ góp thêm. Và hiện tại, Cha vẫn miệt mài cho kế hoạch “giãn dân ra” và làm nhà có nhà vệ sinh, có nước sạch.
Về học hành, các em ở đây không đi học ở trường bình thường như các bạn. Các em học ở “lớp học tình thương” của Cô Sương – người phụ nữ ướm chừng 60 tuổi, người đã tình nguyện và đồng hành cùng bà con làng này hơn chục năm nay. Cô xin của một tổ chức phi chính phủ, mua một mảnh đất mà lúc đó người ta bán cho cô với công thức tính và giá của một gốc cao su, cứ 50 nghìn một gốc. Mảnh đất nhỏ nhỏ, cất cái “trường học” nhỏ nhỏ: 2 phòng học,1 phòng GV. Tụi nhỏ học 1 phòng 2 lớp, một nửa bên này là lớp 1, một nửa bên này là lớp 2. Rồi tôi hỏi cô, học hết lớp 5 thì sao nữa? Cô trả lời “thì cô chỉ dạy các con biết chữ thôi, em nào có tiền thì ra trường ngoài học, còn không thì không học nữa. Mà cô ở đây cũng ráng lắm, đi theo để năn nỉ tụi nhỏ đi học, vì có bữa nhà không có gì ăn, tụi nhỏ phải lên rừng, lên rẫy kiếm rau, tụi nhỏ đâu có đi học. Rồi có bữa đi học mà đói quá, cô phải xin, phải trữ mì tôm hay sữa gì đó, những lúc như vậy thì cô cho em nó ăn”. Công việc của cô là vậy đó, hơn chục năm rồi, cứ âm thầm bên cạnh các em, với người dân. Tự dưng tôi tự hỏi, làm sao mà lại có những con người vĩ dại như vậy nhỉ.
Ngày nghỉ của tôi, được gặp, được trò chuyện với hai người mà tôi cho rằng sự hy sinh, cái tâm, cái tình của họ nó lớn lao, nó cao cả quá. Và sau ngày ấy, tôi luôn nuôi dưỡng một suy nghĩ, một kế hoạch mang “lửa yêu thương” của Lửa Xanh đến với nơi này, bạn có muốn đi với tôi không?